HƯỚNG DẪN CÁCH NUÔI KIẾN - CẨM NANG LOÀI KIẾN
- Cập nhật : 21-08-2021 16:38:33
- Đã xem: 11338
Cẩm nang về các loài kiến, cách nuôi kiến có lợi cho cây ăn trái, nuôi kiến thương phẩm hay lấy trứng, cách chơi kiến cảnh trong tủ kiếng hoặc nông trại tự làm.
Nếu bạn đang nghĩ kiến là một loài chỉ mang lại toàn rắc rối thì bạn đã sai lầm. Kiến có rất nhiều công dụng trong hệ sinh thái tự nhiên. Trong nông nghiệp một số loài kiến giúp tiêu diệt thiên địch cho người nông dân. Ngoài ra kiến cũng có thể sử dụng để làm thực phẩm, gia vị. Đặc biệt trứng kiến vô cùng bổ dưỡng có giá trị dinh dưỡng cao, nên nó có giá vô cùng đắt đỏ.
Trên thế giới rất nhiều nước sử dụng kiến thương phẩm và trứng kiến. Vì vậy, việc nuôi kiến đã trở thành một nghề mới cho nông dân. Ngoài ra hiện nay giới trẻ còn chơi kiến kiểng, đây là một thú vui mới cũng như kinh doanh mới cho những ai đam mê. Dưới đây là toàn bộ các kiến thức về kiến, cũng như cách nuôi và thu hoạch, tự làm một nông trại kiến tại nhà cho những ai đang có ý định tìm nghiên cứu, tìm hiểu.
Kiến thức chung về loài kiến
Kiến là loài có số lượng đông nhất trên thế giới có tên khoa học là Formicidae. Chúng thuộc họ côn trùng (bộ Cánh màng). Kiến có khoảng hơn 15.000 loài và trải dài hầu như trên toàn thế giới. Hay nói thuộc địa của chúng gần như bao phủ toàn bộ đất liền trừ Nam Cực.
Kiến là loài có tuổi thọ rất cao, kiến thợ có thể sống từ vài tuần đến 3-7 năm, trong khi kiến chúa có thể sống hơn mười hoặc vài thập kỷ. Một tổ kiến có thể phát triển ở một nơi trong một năm, hoặc thậm chí hơn 50 năm.
Hình dạng bên ngoài của kiến được chia thành ba phần: đầu, ngực và bụng, với sáu chân. Trứng kiến dài khoảng 0,5 mm, hình bầu dục không đều, màu trắng sữa, kiến thợ có thân hình nhỏ, chiều dài khoảng 2,8 mm, toàn thân có màu nâu và vàng, nhìn kỹ rất dễ tìm thấy một con kiến. Cả kiến đực và kiến cái đều tương đối dày. Bụng mập, đầu và ngực màu nâu, nửa trước bụng nâu, nửa sau nâu. Con kiến đực dài khoảng 5,5 mm. Con kiến cái dài khoảng 6,2 mm.
Kiến là côn trùng xã hội điển hình, với ba yếu tố chính của côn trùng xã hội, đó là các cá thể cùng loài có thể hợp tác với nhau để chăm sóc ấu trùng; chúng có hệ thống lao động rõ ràng; và con của chúng có thể chăm sóc thế hệ trước trong một khoảng thời gian.
Theo nghiên cứu có khoảng 100.000 con kiến trong một đàn. Nhưng chúng chỉ có một kiến chúa duy nhất. Những con kiến mà chúng ta thường hay nhìn thấy là kiến thợ và đặc biệt nó là kiến cái. Công việc của kiến thợ là chăm sóc kiến chúa, nuôi kiến con, tìm kiếm thức ăn, đào đất xây dựng tổ, ấp trứng, di chuyển trứng, canh gác tổ (kiến lính).,..Đa số chúng đều là kiến cái nhưng chúng không có khả năng sinh sản do cơ quan sinh sản phát triển không hoàn chỉnh. Những con kiến trong các tổ khác nhau phân biệt với nhau bằng mùi.
Kiến chúa cái sống ở giữa tổ, chuyên đẻ trứng suốt đời. Nhằm duy trì đội lính thợ để duy trì đàn liên tục.
Đại đa số kiến đều không có cánh, bởi chúng đa số sống trong hang và dưới đất. Vào những mùa oi bức, thời tiết nóng là lúc kiến trưởng thành và bắt đầu sinh sản. Kiến bắt đầu mọc cánh và bay. Khi con đực phối giống xong nó sẽ chết và xác của nó sẽ là thức ăn duy trì để con cái sinh sản. Khi những chú kiến thợ ra đời chúng sẽ kiếm thức ăn để nuôi các con nhỏ và kiến chúa.
Một số kiến thợ sẽ trở thành kiến lính bảo vệ tổ bằng răng hoặc bằng chất độc chúng phun ra, giúp đánh đuổi kẻ thù.
Kiến ăn nhiều loại thức ăn. Một số ăn hạt giống, săn động vật khác và có cả loài ăn nấm... nhưng hầu hết chúng thích đồ ngọt & mật của rệp vừng. Hầu hết những gì chúng làm được là do bản năng (nghĩa là chúng không phải nghĩ hay tập làm những công việc này để làm như thế nào). Các con kiến tìm mồi ở khắp mọi nơi, đôi khi lấy của các tổ khác.
Dù cơ thể nhỏ bé nhưng kiến có thể di chuyển một vật có trọng lượng gấp 10 lần nó. Bởi tính tập thể và đoàn kết nên việc di chuyển thức ăn về tổ vô cùng thuận lợi và có tính kỷ luật cao.
Ngoài ra, các bạn cũng cần phải lưu ý rằng "mối" không phải là kiến, ngoài việc có tổ chức xã hội giống nhau, nhưng mối khá khác với kiến về cấu tạo sinh lý của chúng.
Những tập tục, đặc tính của loài kiến
Nếu bạn nghĩ rằng kiến là một loài nhỏ bé, sống bầy đàn gặp đâu cắn đó chỉ dựa vào số lượng đông đảo để uy hiếp kẻ khác thì bạn đã sai rồi nhé. Kiến là loài có những đức tính, và tập tục sống vô cùng đáng quý ngay cả con người cũng cần học tập chúng. Nếu bạn thấy sự văn minh của nước Nhật trong văn hóa xếp hàng thì kiến còn làm tốt hơn thế nữa trong đời sống của chúng.
1. Phân chia công việc rõ ràng:
Trong cộng đồng loài kiến, mỗi con có công việc riêng và không xâm phạm tranh giành công việc với con khác. Từ khi sinh ra chúng đã được phân ra làm các giai cấp riêng biệt. Mỗi giai cấp có công việc của mình. Và chúng làm nó từ khi trưởng thành cho tới khi chết.
Cộng đồng này chia ra làm một số giai cấp như sau:
- Kiến chúa vị trí cao nhất trong đàn, có nhiệm vụ sinh sản (đẻ trứng) để duy trì số lượng cho đàn cũng như bảo tồn nòi giống. Chúng cũng sống ở nơi an toàn nhất thường là chính giữa tổ. Chúng được đàn kiến cung cấp thức ăn để sống và đẻ trứng liên tục.
- Kiến thợ: là những chú kiến chăm chỉ kiếm thức ăn mang về nuôi kiến chúa, ấu trùng và toàn bộ đàn kiến. Ngoài ra chúng còn thêm một công việc vất vả nữa đó là đào tổ và xây tổ đáp ứng nơi ăn chốn ở cho toàn bộ đàn. Kiến thợ làm việc liên tục suốt đời cho đến khi kiệt sức và chết.
- Kiến lính: cũng là kiến thợ nhưng được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ tổ khi có kẻ thù tấn công, phát tính hiệu cảnh báo để toàn bộ đàn kiến lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
2. Kiến là loài chăm chỉ nhất thế giới
Chỉ có kiến chúa mới “ăn, ngủ” thả phanh. Vì chúng phải dưỡng sức để đẻ. Còn đối với kiến lính và kiến thợ thì chúng không bao giờ có 1 giấc ngủ đàng hoàng tử tế. Bởi chúng phải làm việc liên tục. Vì thế, theo các nghiên cứu thì kiến thợ và kiến lính ngủ gật liên tục bởi chúng quá mệt mỏi. Mỗi ngày chúng ngủ gật hơn 200 lần. Đó cũng là lý do kiến chúa thì sống nhiều năm còn kiến thợ chỉ sống bằng tháng.
Chúng làm việc liên tục theo sự phân công. Không bao giờ nề hà công việc hay có thời gian ngủ nghỉ như các loài khác. Chúng làm việc cả ngày và đêm. Chính vì thế, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi những chú kiến bé nhỏ nhưng lại làm được những việc vô cùng to lớn so với cơ thể của chúng. Đúng như ông cha ta từng nói “kiến tha lâu đầy tổ”. Nếu có thể chắc phải phong cho chúng là “anh hùng lao động”.
3. Kiến làm việc rất đoàn kết
Chắc chắc chắn bạn đã từng thấy một đám kiến bu quanh một miếng mồi lớn gấp nhiều lần trọng lượng của chúng. Vậy làm sao chúng có thể tha nó về tổ được. Chúng không thể cắt nó ra từng miếng nhỏ để tha về. Vì thế, chỉ có đoàn kết sức mạnh của nhiều con mới có thể “lăn” miếng mồi đó về tổ. Tại sao chúng ý thức được điều đó? Đó là nhờ tín hiệu phát ra từ cặp râu của chúng. Đó chính là ngôn ngữ của loài kiến.
Khi cần sự tập trung của nhiều con kiến để hoàn thành 1 công việc, chúng sẽ phát tín hiệu để những con khác tập trung tới để làm. Bạn sẽ thấy chúng làm rất bài bản giống như có sự sắp xếp tính toàn từ trước. Và rồi công việc nặng nhọc nào cũng xong xuôi nhờ sự đoàn kết, phân công rõ ràng. Đó cũng là đức tính tuyệt vời mà người Việt ta đã áp dụng để đánh thắng kẻ thù xâm lược.
4. Kỷ luật xã hội cao
Nếu Nhật Bản là nơi có nền kỷ luật cao nhất trên thế giới thì kiến là loài có tính kỷ luật cao không hề kém cạnh. Một tổ kiến có hàng chục ngàn con trong một cái tổ bé xíu. Nhưng bạn luôn thấy chúng đi theo hàng lối ngăn nắp và gọn gàng. Không có tình trạng có con nào rời khỏi đường đi đó. Và đặc biệt không có con nào được dừng lại khi đang di chuyển. Điều này giúp chúng không bị rối loạn đội hình và hỗn loạn trong tổ.
Khi ra ngoài tổ để kiếm ăn chúng cũng di chuyển theo hàng lối đã được các con kiến thợ do thám vạch ra. Nhờ tính kỷ luật bẩm sinh này mà công việc của chúng luôn hoàn thành gọn gàng sạch sẽ. Đây là đức tính mà loài người cũng đang phải học hỏi chúng trong xã hội hiện tại.
Tìm hiểu về các loài kiến phổ biến
1. Kiến hôi Tapinoma sessile
Hình dáng: Kiến hôi có tên khoa học khá dài là Tapinoma sessile. Chúng có màu nâu hay đen, có 6 chân như các loài khác, chiều dài thân dài từ 1/16 đến 1/8 inch. Kiến có râu dài 12 đốt và đốt cuôi không kết thúc bằng một đầu, chùy to.
Thói quen: Chúng ăn bất cứ thứ gì từ các thức ăn trong nhà, đặc biệt là thực phẩm có đường, kiến hôi thích nơi có độ ẩm cao. Cơ thể chúng có mùi khó chịu khi bị đập nát. Chính vì thế chúng mới được gọi là kiến hôi. Đàn của chúng khá đông từ 100 tới 10.000 cá thể.
Vòng đời: Chúng là loài phát triển rất nhanh chỉ sau thời gian từ từ 34 đến 38 ngày là đã trưởng thành. Kiến có thể sống nhiều năm.
2. Kiến lửa Solenopsis
Hình dáng: Tên khoa học rất sang chảnh là Solenopsis. Kiến lửa bạn có thể gặp bất cứ nơi đâu kể cả trong nhà. Kiến có màu nâu đồng, thân và bụng màu đậm hơn. Kích thước của chúng tùy thuộc vào chức danh. Kiến chúa lớn nhất chiều dài khoảng 5/8 inch, kiến thợ trưởng thành khoảng từ 1/8 đến 1/4 inch. Râu của nó chia làm 2 phần rõ rệt và kết thúc bằng 1 đầu chùy như là khứu giác của chúng.
Thói quen: Tổ kiến lửa thường được ùn lên cao khoảng 40cm hay nằm bên cạnh các vật trên mặt đất (khúc gỗ, đá, gốc cây,…). Nguồn thức ăn mà kiến lửa thợ tìm kiếm là xác động vật chết như côn trùng, giun đất và động vật có xương sống. Kiến lửa thợ còn thu gom dịch ngọt và tìm thức ăn ngọt, protein và chất béo.
Kiến lửa rất nóng tính khi bị chọc tức sẽ cắn, chích người, đặc biệt chúng tấn công bầy đàn cho đến khi hạ được đối thủ và ăn thịt. Độc của kiến lửa tạo ra vết sưng, ngứa và có thể gây ra mụn nhọt mới bị cắn. Ngược với kiến vàng, kiến lửa phá hoại mùa màng, cây trồng và đặc biệt phá hoại nhà cửa, con người.
Vòng đời: Kiến lửa trường thành sau khi tách đàn và giao phối. Kiến chúa sẽ tìm kiếm nơi phù hợp để đẻ trứng. Từ lúc từ trứng đến ấu trùng là 9-10 ngày, giai đoạn nhộng phát triển từ 9-16 ngày. Ấu trùng sống nhờ dịch tiết ra từ tuyến nước bọt của kiến chúa. Nó sinh sống bằng dịch này cho đến khi lứa kiến thợ đầu tiên phát triển và có khả năng kiếm thức ăn về tổ. Kiến chứa tiếp tục nhiệm vụ sinh sản.
Kiến chúa lớn có thể đẻ đến 1500 trứng trong một ngày. Nhiệm vụ của kiến thợ là chăm sóc ấu trùng, kiếm thức ăn và xây dựng tổ. Kiến lửa đực vẫn có khả năng sinh sản bình thường.
3. Kiến đen Ochetellus
Hình dáng: Kiến đen tên khoa học là Ochetellus. Kiến có độ dài từ 2,5 đến 3mm. Có màu bóng và đen. Chúng là loài khá quen thuộc với mọi người.
Thói quen: Dòng kiến đen này thường đi theo đàn tìm thức ăn trong nhà bếp, rác thải và phân các loài động vật. Nên nó có khả năng lây bệnh khuẩn salmonella và lây lan sang nơi khác. Cách tốt nhất là dò tổ và dùng thuốc diệt tận gốc chúng.
Vòng đời: Ấu trùng kiến đen nở ra khỏi trứng thành một ấu trùng màu trắng, nhỏ hơn về phần đầu. Ấu trùng sau đó sẽ phát triển thành nhộng và có màu trắng kem. Đôi khi có kén tơ bọc xung quanh bảo vệ chúng. Kiến đen trưởng thành có ba phần rõ ràng: đầu, ngực và bụng.
Kiến đen mất 6 tuần để từ trứng phát triển thành kiến trưởng thành. Nó có thể kéo dài hơn tùy thuộc vào nhiệt độ, thức ăn. Đặc biệt trứng kiến đen được thụ tinh sẽ nở thành con cái, trứng không được thụ tinh sẽ nở thành con đực.
4. Kiến Pharaoh Monomorium pharaonis
Hình dáng: Có tên là Monomorium pharaonis. Kiến có mắt đen, răng dài và sắc, râu chia làm 2 phần riêng biệt. Kiến thợ có chiều dài 1,5 – 2 mm, thân màu nâu vàng, bụng màu nâu đậm. Kiến chúa pharaoh dài 3,5 – 6 mm, có màu đỏ sậm và có cánh. Con kiến đực dài khoảng 3mm, màu đen, có cánh.
Thói quen: Mỗi con kiến Monomorium pharaonis chúa có thể sản xuất ra 3.500 trứng trong suốt cuộc đời. Đàn kiến dao động từ vài chục đến 300.000 cá thể. Chúng thiết kế tổ nằm trong các hốc tòa nhà nóng, ẩm ướt.
Chúng có sở thích ăn xác các loài động vật có hàm lượng protein cao hay giun, trùn, côn trùng, thịt mỡ,…
Kiến Pharaoh có tính đoàn kết và di chuyển kỷ luật theo đàn. Chúng chỉ tan đàn và thành lập lại tổ mới trong trường hợp bị đánh phá, tiêu diệt.
Vòng đời: Chúng tách đàn thành các nhóm mới quanh năm theo sự phát triển của các đợt ấu trùng mới. Mỗi tổ có nhiều kiến chúa, chính vì thế việc tách đàn cũng đơn giản hơn. Hoặc kiến sau khi mọc cánh thì bắt đầu giao phối và rụng cánh. Đặc biệt chúng rất ít khi bay mà chỉ bò.
5. Kiến đường Tetramorium Caespitum
Hình dáng: Kiến đường có tên là Tetramorium Caespitum. Chiều dài của kiến khoảng 1/8 inch. Có 6 chân như các loại khác, kiến có màu nâu đen hay hơi đen. Kiến đường có 2 gai ở phần lưng. Kiến có 2 đốt ở trên phần cuống giữa ngực và bụng dễ thấy. Râu kiến dài có 12 đốt, phần đầu to chia làm 3 đốt. Kiến đường khi mọc cánh thường bị nhầm lẫn với mối.
Thói quen: Chúng ăn mọi thứ, gần như bất kỳ món gì mà người và vật nuôi ăn. Kiến đường có thị lực tốt nhất trong các loài kiến vì phải kiếm ăn vào ban đêm. Chúng dic chuyển mọi hàng cùng ngõ hẻm để tìm thức ăn và vị trí làm tổ mới.
Vòng đời: Kiến đường có vòng đời giống với kiến Pharaoh nên cũng phần đàn quanh năm, mỗi đàn có nhiều kiến chúa là một lợi thế để gia tăng quân số một cách nhanh chóng. Trứng kiến phát triển thành kiến trưởng thành trong khoảng từ 42 đến 56 ngày.
6. Kiến thợ mộc Camponotus Pennsylvanicus
Hình dáng: Có tên khoa học khá dài và khó nhớ là Camponotus Pennsylvanicus. Kiến chúa dài hơn 1 cm. Kiến thợ nhỏ khoảng 1/4 inch. Kiến có 6 chân, và có màu đen nhạt thường gặp, tuy nhiên màu chúng có thể có màu đen và đỏ.
Thói quen: Kiến thợ mộc thường sống trong cả gỗ ướt và khô, đúng như cái tên chúng là những gã thợ mộc chăm chỉ khoét sâu vào bên trong thân gỗ để làm tổ. Kiến thợ mộc có thói quen kiếm ăn vào ban đêm, vào mùa xuân và mùa hè chúng gia tăng kiếm ăn cả vào ban ngày.
Thức ăn chính của kiến thợ mộc là các loại trái cây, vỏ cây có vị ngọt, ngoài ra chúng còn hút dịch cây, nước trái cây và xác côn trùng. Kiến rất khoái vào nhà của bạn vì có nhiều vụn đồ ăn ngọt, dầu mỡ, chất béo.
Vòng đời: Một trứng phát triển thành kiến trưởng thành mất từ 42 ngày đến 84 ngày. Chúng mất từ 3-6 năm để hình thành và phát triển thành một đàn kiến ổn định.
7. Kiến ma Tapinoma Melanocephalum
Hình dáng: Loài kiến thường gặp ở mọi nơi chúng có tên khoa học là Tapinoma Melanocephalum. Nó chỉ dài 16mm, chân và bụng có màu xanh nhợt nhạt.
Thói quen: Chúng thích ăn các chất ngọt, dịch nhờn và dịch ngọt từ các loài côn trùng khác tiết ra. Chúng làm tổ trong các hang hốc, dưới chậu hoa, vỏ cây, bất cứ vật gì có thể che chở cho chúng. Chính vì thế, việc di chuyển qua điểm mới khi có sự cố xảy ra thường xuyên trong vòng đời của chúng.
Vòng đời: Đàn kiến sinh sản liên tục, di chuyển liên tục và phần đàn liên tục.
8. Kiến vàng Oecophylla smaragdina
Hình dáng: Kiến có tên khoa học là Oecophylla smaragdina. Chúng có màu đỏ hoặc vàng nhạt. Chân dài, mắt to và có 2 râu. Kiến có chiều dài hơn 1 cm.
Thói quen: Chúng thường làm tổ trên cây bằng cách sử dụng nước bọt và tơ của ấu trùng để dán những chiếc lá lại với nhau thành tổ. Kiến vàng ăn các loại côn trùng, dịch cây, trái cây, thịt động vật,… để sống. Chúng là loài kiến rất hung hăng và sẵn sàng tấn công kẻ địch cho đến chết để bảo vệ tổ.
Vòng đời: Kiến vàng sinh sản mạnh liên tục để duy trì đàn. Một tổ kiến có nhiều kiến chúa, vì thế đàn của chúng phát triển rất nhanh. Trên các cây mà chúng đa làm tổ chúng sẽ tự tách tổ trên các nhánh cây khác và lan sang các cây khác.
Kỹ thuật nuôi kiến vàng
1. Lợi ích, giá trị dinh dưỡng của kiến vàng
Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của các nhà vườn sau nhiều năm quan sát, thì sự có mặt của kiến vàng trong các vườn cây có múi làm cho cây có trái bóng đẹp, ngọt và nhiều nước hơn. Đơn giản vì nó là một loại thiên địch giúp nông dân tiêu diệt sâu bọ, rầy, bảo vệ cây trồng mà không cần sử dụng thuốc hóa học. Vì nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng tăng cao, họ yêu cầu cao hơn về chất lượng cũng như không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học. Nên các biện pháp sinh học tự nhiên luôn được ưu tiên hàng đầu.
Kiến vàng có khả năng diệt bọ xít cam, sâu bướm, sâu đục vỏ trái. Đồng thời nó cũng không phá hoại cây và quả non. Đặc biệt, kiến vàng còn có khả năng khống chế gần như tuyệt đối sự phát triển của sâu vẽ bùa, rầy, rầy mềm và cả các loại nhện chích hút gây hại mạnh trên cây có múi…
Nếu vườn cây thiếu kiến vàng các loại bưởi và cam quýt, chanh thường hay bị bọ xít chích hút làm rụng trái non ảnh hưởng nghiệm trọng tới sản lượng. Rệp sáp đeo bám lên trái làm cho trái méo mó, chậm lớn, da trái trầy trụa rất xấu xí, khó xuất bán khi trái chín. Loài rầy mềm thì đeo bám đọt non làm cho đọt bị xoăn, quăn queo không phát đọt được.
Về giá trị dinh dưỡng trứng kiến vàng là một loại thức ăn bổ dưỡng chứa nhiều đạm, axit có lợi cho sức khỏe, nhiều loại vitamin, chống lão hóa, trẻ hóa làn da. Trứng kiến có tác dụng giảm đau, kháng viêm tốt. Ngoài ra nó còn là thần dược “phòng the” tăng cường sinh lý cho quý ông.
Tại Tây nguyên muối trứng, kiến vàng là đặc sản dùng để chấm thịt gà, thịt bò, thịt nai,… vô cùng có giá trị.
Đối với người nuôi cá, chơi chim trứng kiến là món ăn khoái khẩu giúp chúng khỏe mạnh hơn, lông mượt mà bóng bẩy hơn.
2. Kỹ thuật nuôi kiến vàng trên cây có múi
Cách thả: Bạn nên đi săn tổ kiến ở trên các loại cây rừng, tự nhiên khác. Chú ý nên thu thập các ổ kiến lá còn xanh, có độ lớn trung bình từ 20cm trở lên, cấu tạo bởi 2 lớp lá, vì thường các tổ này dễ có kiến chúa hơn.
Trước khi thả bạn cần kiểm tra cây ăn trái có kiến hôi hay không. Bởi kiến hôi là kẻ địch tiêu diệt kiến vàng. Nên phải tiêu diệt chúng trước khi thả tổ kiến vàng lên cây. Ngoài ra không nên thả kiến lên cây đã có sẵn tổ kiến vàng. Vì chúng sẽ cắn nhau để tranh giành, bảo vệ lãnh thổ. Trong quá trình giao chiến chúng sẽ tiết ra chất acid formic làm cho cây ăn trái vị khô rám vỏ và chết.
Thời gian thả: Để tránh trường hợp kiến vàng tiêu diệt lẫn nhau vì khác mùi. Bạn nên lấy giống các tổ cùng một cây và để vào cùng một túi riêng để các tổ kiến này cùng một nhóm. Khi thả lên cây các tổ kiến này sẽ không cắn nhau vì có cùng mùi. Vào tháng 7 và 10 mật độ kiến thợ và kiến chúa là đông nhất. Thời gian này là thời điểm hợp lý để lấy giống và cấy vào vườn cây ăn trái. Thả ít nhất 2 tổ vào các chảng ba, chảng tư của cây ăn trái.
Thức ăn: Mặc dù kiến sẽ tự kiếm thức ăn từ tự nhiên. Tuy nhiên, để đàn kiến phát triển nhanh bạn cũng nên tăng thêm lượng thức ăn cho chúng. Một số loại thức ăn thừa có sẵn như: ruột gà, ruột cá, đồ ăn thừa,… Bạn chỉ cần cho ăn 1,2 tuần 1 lần với lượng nhỏ là đủ vừa giúp kiến có nguồn thức ăn và không bỏ đi nơi khác.
Phân bố lượng kiến: Để kiến có thể phát triển và phân bố đều trong vườn. Cần tạo điều kiện tốt nhất để kiến di chuyển từ cành này sang cành khác, cây này sang cây khác để săn mồi và làm tổ. Nhà vườn có thể giăng dây hay gác cây từ cây này sang cây kia kiến sẽ di chuyển qua lại theo đường đó. Kiến vàng sinh sống được trên tất cả các loại vườn chuyên canh hoặc xen canh.
Thu hoạch: Khi tổ kiến đã hình thành thì khoảng 20 ngày bạn sẽ thu hoạch một lần bằng các dụng cụ như lưới. Để lấy trứng bạn chỉ cần 1 cái lưới và 1 cây sào chọc thủng tổ kiến và lắc, trứng trong tổ sẽ rơi hết xuống lưới vợt. Sau khi thu hoạch xong cần xử lý sạch sẽ trước khi đóng gói.
Một số lưu ý: Kiến vàng rất dễ chết khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu, vì thế nhà vườn nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học để xịt lên cây. Nếu sử dụng, cần chọn các loại thuốc sinh học không có hại với côn trùng, sinh vật có lợi.
Nuôi kiến vàng lấy trứng vừa phòng bệnh cho cây ăn trái là một biện pháp sinh học tự nhiên mang lại nhiều hiệu quả cho người nông dân. Vừa có một mùa màng bội thu, vừa có thêm thu nhập từ lượng trứng kiến vàng bổ dưỡng.
Kỹ thuật nuôi kiến gai đen
Về chất lượng trứng kiến gai đen còn bổ dưỡng hơn cả trứng kiến vàng. Hiện nay, nó vô cùng quý hiếm và được dân thành phố săn lùng cất trữ khi vào mùa. Ở Trung Quốc đã bắt đầu có những trang trại nuôi loại kiến này để phục vụ cho người dân. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu của một số chuyên gia và đang tiến hành thử nghiệm.
Để nuôi được kiến gai đen bằng cách tạo chuồng trại nhân tạo đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Trong việc thiết kế môi trường sống, quá trình chăm sóc, thu hoạch cần phải nghiên cứu tính toán chi tiết sao cho kiến phát triển tốt nhất. Qua nghiên cứu để thực hiện được bạn cần thực hiện như sau:
Lựa chọn nơi đặt chuồng trại: Là nơi ánh sáng tối, không có rác thải, mùi hôi thối. Hoặc chọn nơi thoáng mát có sẵn một số nguồn thức ăn tự nhiên cho kiến.
Làm trang trại nuôi: Bạn nên sử dụng gạch để xây bao quanh chuồng trại. Tiếp đó dùng tre hoặc bất cứ vật liệu gì có sẵn để tạo thành nhiều tầng. Bên trong mỗi tầng có các hộp xốp có rơm cuộn để kiến làm tổ. Tầng thứ nhất cách mặt đất hơn 30 cm, khoảng cách giữa các tầng và kệ lớn hơn 35 cm, tiếp đó rải cát mùn dày 10-15 cm xuống đáy kệ. Hoặc sử dụng các hộp nhựa sau đó cho các vật liệu như xốp, giấy vào bên trong. Việc sử dụng hộp nhựa sẽ tiện lợi hơn trong giai đoạn thu hoạch trứng.
Khi làm chuồng trại cần chú ý tránh nhiệt độ cao chiếu trực tiếp vào ổ kiến vào mùa hè và tránh được mưa lớn. Nên đo nhiệt độ thường xuyên để điều chỉnh chuồng trại phù hợp. Kiến sinh sản thích hợp ở 22-37 độ C, độ ẩm 10-15%. Nếu không khí quá khô nên dùng bình xịt để tạo độ ẩm thích hợp.
Thức ăn: Thức ăn cho kiến có rất nhiều loại. Có thể chia ra thành thức ăn là thịt: thì bò, cá, lợn, gà, các loài động vật khác, các loài côn trùng, trứng côn trùng, giun, nhộng,… Thức ăn dạng ngọt thực vật: đường, dưa hấu, lõi táo, mật ong, lõi lê,…
Kiến sử dụng lượng thức ăn vô cùng nhỏ chỉ 0,1/con mỗi ngày. Một đàn kiến 100.000 con chỉ tiêu thụ khoảng 100g thức ăn/ ngày. Và chúng thường ăn 3-5 ngày một lần. Khi đặt thức ăn nên để thức ăn trên các tấm xốp để hút khô nước giúp thức ăn ít bị hư hỏng. Thường xuyên vệ sinh khu vực đựng thức ăn cho kiến. Nên chia thức ăn ra làm nhiều điểm nhỏ để tránh kiến tranh giành nhau. Thức ăn cũng nên thay đổi nhiều loại thường xuyên để tránh kiến biếng ăn.
Thu hoạch:
Việc thu hoạch kiến nuôi nhân tạo chủ yếu sử dụng cách mồi nhử thức ăn. Hãy quyết định chọn lứa kiến nào (phải có số lượng lớn) và hãy để lứa này đói trong 3-5 ngày. Ít nhất 80% kiến trong cả đàn bị đói, và sau đó sử dụng một túi dệt, cho thức ăn mà kiến thích ăn vào túi và buộc vào miệng túi bằng một ống tre nhỏ, kiến sẽ nhanh chóng chui vào túi dệt vì chúng đói. Sau đó đặt lưới ở nhiệt độ cao 55 ° C kiến sẽ chết hết sau khoảng 5 phút, công việc thu hoạch thường được tiến hành trong điều kiện thời tiết nắng để nhanh khô.
Nếu chỉ thu hoạch trứng bạn cần mở nắp hộp nhựa để lắc cho trứng rơi xuống lưới. Đối với hộp xốp khâu lắc trứng cần cẩn thận và tỉ mỉ hơn.
Chế biến: Đổ kiến đã chết vào rổ sàng, nhặt sạch tạp chất, phơi kiến càng sớm càng tốt, độ ẩm không quá 8% để thời gian bảo quản lâu đảm bảo chất lượng kiến thương phẩm. Đối với trứng cần làm sạch và bảo quản ở nhiệt độ ngăn mát của tủ lạnh.
Không chiên, luộc hoặc rắc thuốc trừ sâu khi kiến. Tiêu chuẩn của thành phẩm là không bị nấm mốc, không bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, các chi hoàn chỉnh, đúng phương pháp chế biến. Thành phẩm nói chung có thể được đóng gói trong một túi dệt với một màng nhựa bên trong, và không được đóng gói với thuốc trừ sâu hoặc phân bón.
Cách làm trang trại kiến tại nhà
Khi đã nắm được 2 cách nuôi kiến bên trên thì việc khởi tạo một trang trại kiến mini tại nhà của bạn vô cùng đơn giản. Có rất nhiều cách kiến thiết một nông trại kiến cho người chơi cảnh. Bạn có thể đặt sẵn tại các shop thú cưng hoặc tự làm tại nhà. Nếu làm tại nhà bạn cần thực hiện các bước sau:
Chuẩn bị môi trường sống: Một hộp giấy carton là thùng sữa hoặc thùng mì tôm, nếu tốt hơn có thể sử dụng thùng kiếng. Cần dán kín đáy. Kiến thiết một tầng đá vụn bên dưới, sau đó đến cát, đất mùn, rác lá cây. Có thể cấy trồng 1 số loại cây thân thấp và 1 số thân cây gỗ nhỏ, cục đá. Để mặt bằng giống với môi trường tự nhiên mà kiến sinh sống. Đặt hộp nơi có ánh sáng tự nhiên, thoáng mát. Dán mặt trên của thùng bằng keo trong để kiến không đi ra ngoài. Chỉ đục những lỗ nhỏ để không khí đi vào bên trong.
Chuẩn bị giống: Thường là kiến nẻ và kiến vàng. Thu thập chúng trong tự nhiên cần bắt được cả kiến lính, kiến thợ và kiến chúa. Mỗi đàn cần khoảng từ 20-30 con.
Cách thả: Sau khi bắt chúng cần chuẩn bị 1 ống nhỏ, bên trong có giấy vụn, xốp, bông để kiến làm quen. Sau đó đặt ống vào môi trường thùng carton mở nắp để kiến tự khám phá môi trường mới và dần chuyển sang địa điểm mới để sinh sống. Trong quá trình này bạn cần dùng thức ăn để nhử chúng ra xa tổ.
Thức ăn: Là các loại trái cây thừa, đường, mật ong, thịt, cá, bánh mì,… Chỉ nên cho ăn 1 tuần 1 lần để đảm bảo kiến siêng năng đi tìm thức ăn. Mỗi lần cho ăn bạn chỉ cho 1 lượng nhỏ vừa đủ tùy theo số lượng trong đàn.
Sau tất cả công việc, bạn đã có một đàn kiến sinh sống tại nhà, có thể ngắm nhìn chúng đi lại, ăn uống, đẻ trứng thậm chí là cắn nhau,… Đây là thú vui vô cùng tao nhã và mới mẻ của các bạn trẻ ở thành phố.
Với thú chơi nuôi kiến cảnh hiện nay có rất nhiều mô hình được kiến thiết sẵn hoặc có có vật liệu công cụ để bạn tự tay làm một nông trại kiến theo ý tưởng của mình. Với những nội dung này hi vọng các bạn có một cái nhìn khác về loài kiến.