Truyền thống trang trí tết trong nhà của người Việt Nam
- Cập nhật : 23-01-2022 20:22:16
- Đã xem: 495
Giới thiệu tới các bạn về truyền thống, phong tục trang trí tết trong nhà của người Việt và những đồ vật trang trí mang lại may mắn cho mọi người trong năm mới.
Cứ mỗi dịp vào những ngày cuối năm, các gia đình Việt Nam từ thành thị cho đến nông thôn đều tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa với mong muốn đầu năm mới đàng hoàng, tử tế, sạch sẽ thì trong năm sẽ gặp nhiều may mắn, sẽ hạnh phúc, ấm no, sức khỏe tràn trề. Trang trí tết trong nhà là một truyền thống văn hoá từ lâu đời của dân tộc Việt. Hãy cùng tìm hiểu về nét đẹp này của dân tộc với chúng tôi nhé!
Phong tục trang trí tết trong nhà của người Việt
Tu sửa, dọn đẹp, trang hoàng nhà cửa đã trở thành phong tục truyền thống gắn bó với người Việt Nam từ hàng ngàn năm trước. Vào những ngày cận Tết, các gia đình Việt đều quây quần, cùng nhau dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Nào là quét bụi, mạng nhện, sơn tô lại tường, quét lại bộ đồ gỗ trong nhà. Những bộ đồ gỗ như tủ thờ, bàn, ghế, lục bình, liễn gỗ, tranh gỗ được tút lại màu sơn mới “cóng”.
Trên tường, cửa nhà được treo dán những bức tranh về phong tục tết như câu đối đỏ, hoa, câu chúc, đèn lồng,… Ngoài sân, trước thềm được trang trí và trưng bày các chậu hoa đẹp nhất đã vun trồng cả năm chỉ chơi trong những ngày này như hoa, cúc, vạn thọ, quất, đào, mai, phong lan,… Tất cả tạo nên một bức tranh màu sắc sống động, rực rỡ và màu chủ đạo là vàng và đỏ. Đây là 2 màu mang đến tài lộc, phú quý, may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Tất cả đồ đạc như ly chén, bình hoa,… đều được lau chùi và sắp xếp một cách ngăn nắp. Đặc biệt bàn thờ tổ tiên là nơi tôn nghiêm, trang trọng nên càng được dọn dẹp, lau chùi cẩn thận từng li từng tí một như: ly hương, bình hoa, đèn thờ,… Riêng với bàn thờ sẽ có thêm mâm ngũ quả và một số lễ cúng để chưng như: trà, rượu, thuốc, bánh,… Đặc biệt mâm ngũ quả sẽ có đủ 5 loại quả tượng trưng cho kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, là sự hài hoà của tự nhiên nguồn gốc của sự sống.
Trang trí tết trong nhà là truyền thống của người 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Dù mỗi vùng miền, mỗi dân tộc sẽ có cách trang trí khác nhau, lễ cúng bái khác nhau nhưng chung quy lại đề thể hiện truyền thống quý báu, gìn giữ những nét đẹp văn hoá cổ truyền. Tục lệ trang hoàng nhà cửa có ý nghĩa lớn đối với nền văn hóa truyền thống của người Việt nói chung và của từng gia đình nói riêng.
Việc trang hoàng nhà cửa, bàn thờ, am thờ gọn gàng sạch sẽ chính là lòng thành kính của mọi người dân đối với các vị thần linh, cũng như tổ tiên. Nó là mong ước của những người dân hiền lành, chất phác mong muốn một năm mưa thuận gió hoà, để công việc được suôn sẻ, một năm không xảy ra tai ương, hoạn nạn. Và theo quan niệm thì khi năm mới đến thì Thần Tài sẽ ưu tiên mang may mắn đến những gia đình sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất trong những ngày đầu năm.
Ngoài ý nghĩa về truyền thống thì việc dọn dẹp nhà cửa cũng thể hiện sự hiếu khách vào đầu năm. Khi nhà cửa sạch sẽ, đẹp đẽ thì gia chủ cũng tự tin đón khách, khách khứa cũng cảm thấy hài lòng vì được tôn trọng. Ngoài ra khi nhà cửa đẹp sẽ kích thích những lời hay, ý đẹp, những lời chúc hay đến với chủ nhà.
Dịp trang trí tết trong nhà cũng tạo cơ hội để ông bà, cha mẹ, con cháu có cơ hội sum vầy nói chuyện, gắn bó với nhau sau 1 năm làm ăn ở xa về. Giúp tình cảm gia đình gắn kết, có dịp tâm sự với nhau về những điều ít có hội để nói.
Trang trí tết trong nhà là một truyền thống văn hoá đẹp, vì vậy dù có bận trăm công ngàn việc thì mọi người luôn dành thời gian để trang hoàng nhà cửa để đón một năm mới an lành, thịnh vượng.
Trang trí gì để may mắn vào năm mới?
Theo phong tục Tết của Việt Nam thì vào dịp tết mọi người sẽ sắm sửa, trang hoàng để ngôi nhà của mình thật sạch đẹp và lộng lẫy nhằm mục đích rước tài lộc may mắn vào nhà. Tuỳ mỗi vùng miền sẽ có những cách trang trí khác nhau. Nhưng đều có những nét chung sau:
- Mâm ngũ quả: Đây là tượng trưng cho ngũ hành, tượng trưng cho sự sống, sự đâm hoa kết trái, viên mãn trong mọi sự, tràn đầy, sự hài hoà về tự nhiên. Con người ai cũng muốn một cuộc sống ổn định, có sự sinh sôi nảy nở tự nhiên, sau đó vươn lên viên mãn, tràn đầy về mọi thứ.
- Bánh chưng, bánh giày: Tượng trưng cho âm dương là sự hài hoà về tự nhiên. Theo truyền thuyết thì bánh chưng sẽ dành cho mẹ, bánh giày dành cho cha. Đây là món ăn để cúng tổ tiên vào dịp tết rất trang trọng. Ngoài sự hiếu kính thì con người cũng mong muốn tổ tiên phù hộ cho một năm mới sức khoẻ, không bệnh tật, làm ăn gặp nhiều may mắn.
- Hoa: Có nhiều loại hoa có ý nghĩa may mắn đặc biệt là hoa đào và hoa mai. Đây là 2 loại hoa truyền thống dùng để trưng bày trong dịp tết. Nó mang ý nghĩa phát tài, phát lộc, tràn trề sức sống, mạnh khoẻ. Ngoài ra còn có rất nhiều loại hoa khác mang ý nghĩa may mắn. Vì thế, gia chủ có thể trang trí mọi loại hoa, càng nhiều màu sắc càng mang lại nhiều dương khí. Hạn chế các loại hoa có màu trắng.
- Câu đối: Với ý nghĩa sang trọng, nho nhã, đó chính là tượng trưng cho trí tuệ, tài trí. Vì thế trưng bày những câu đối ý nghĩa hay cũng là một cách cầu mong gia đình, con cháu chăm ngoan, học giỏi, thành đạt.
Ngoài những đồ trang trí chính ở trên, mỗi vùng miền, mỗi nơi có những sự sáng tạo thêm để căn nhà của gia đình thêm lung linh, lộng lẫy, mang đến một không khí ấm cúng, náo nhiệt cho mọi người trong dịp năm mới. Trang trí tết trong nhà là một truyền thống văn hoá quý báu của dân tộc Việt, hãy gìn giữ và phát huy nó!